Sự phối hợp nghiên cứu khoa học giữa các Trường Đại học và KHCN Ninh Bình trong những năm qua và định hướng trong thời gian tới

17/05/2019

 

Kỷ niệm ngày Khoa học công nghệ Việt Nam 18-5, Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình tổ chức Hội nghị Khoa học và Công nghệ- động lực phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Ninh Bình vào ngày 15/5/2019.

PGS.TS. Lê Tiến Dũng, giảng viên bộ môn Khoáng Thạch và Địa hoá, khoa Khoa học và Kỹ thuật Địa chất, Giám đốc Trung tâm Triển khai công nghệ khoáng chất, trường Đại học Mỏ-Địa chất, đã chủ trì thực hiện nhiều đề tài KHCN của tỉnh Ninh Bình trong thời gian qua được mời đọc báo cáo tham luận "Sự phối hợp nghiên cứu khoa học giữa các Trường Đại học và KHCN Ninh Bình trong những năm qua và định hướng trong thời gian tới" tại Hội nghị.

 

Nội dung chính của bài tham luận:

Trên bản đồ địa lý Việt Nam, Ninh Bình có diện tích không lớn, nhưng rất đa dạng về điều kiện địa hình cảnh quan, với các địa danh nổi tiếng trong nước và Quốc tế như Tràng An-Tam Cốc-Bích Động, nước khoáng Kênh Gà, vườn quốc gia Cúc Phương.v.v.

Ninh Bình có đường bờ biển không dài, nhưng gắn liền với các công trình quai đê lấn biển của các bậc Tiền nhân và người dân Ninh Bình hiện đại. Đường bờ biển Ninh Bình có mức độ biến động và nhạy nhạy cảm vào bậc nhất trong hệ thống đường bờ biển của Việt Nam. Trong điều kiện biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, quá trình khai thác tài nguyên vùng đầu nguồn có tốc độ tăng cao, mức độ biến động ngày càng phức tạp, rất khó dự đoán.

Trên bản đồ địa chính trị Việt Nam, Ninh Bình là cửa ngõ phía nam của Thủ đô Hà Nội, là vùng chuyển tiếp giữa Đồng bằng Bắc Bộ và khu vực Bắc Trung Bộ, một trong các vùng đất của Người Việt Cổ gắn liền với các di tích khảo cổ của các nền văn hóa Hòa Bình, văn hóa Đa Bút, nền văn hóa Đông Sơn.

Ninh Bình là trung tâm văn hoá-chính trị của Nhà nước Ðại Cồ Việt, là kinh đô đầu tiên của nước Việt, có bề dày lịch sử là cội nguồn tính đa dạng về tập quán, sự phong phú tài nguyên văn hóa, xã hội, nhân văn.

Trên cơ sở những nhận thức sâu sắc về tiềm năng, những thuận lợi, cũng như những thách thức, những khó khăn để xây dựng và phát triển, Khoa học công nghệ Ninh Bình đã thực hiện rất tốt chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ.

Sự phát triển kinh tế xã hội rất mạnh mẽ của Ninh Bình trong những năm qua, có các đóng góp của Khoa học công nghệ.

Cùng với nhân lực rất dồi dào tại địa phương, KHCN Ninh Bình đã tập hợp được những người làm công tác Khoa học công nghệ của cả nước, trong đó có các cán bộ giảng dạy trong hệ thống mạng lưới các trường Đại học để triển khai các nhiệm vụ KHCN mang tính đặc thù, chuyên sâu trên từng lĩnh vực.

Các nhiệm vụ KHCN Ninh Bình đặt cho các Trường Đại học và các Viện Nghiên cứu với những mục tiêu rất thiết thực, nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể, làm cơ sở đề xuất các kiến nghị, các giải pháp, góp phần cho sự phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, đảm bảo an ninh và quốc phòng.

Các trường Đại học hàng đầu của Việt Nam như Đại học Quốc Gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Xây dựng, Đại học Thủy lợi, Đại học Mỏ-Địa chất, và Đại học Hoa Lư Ninh Bình v.v... đều đã có tên trong Danh mục các công trình KHCN cấp tỉnh trên địa bàn Ninh Bình.

Nhiều cán bộ khoa học của các Trường Đại học và các Viện Nghiên cứu đã trưởng thành từ các đề tài NCKH cấp tỉnh.

Nhiều công bố khoa học trong nước và Quốc tế, nhiều luận án tiến sỹ, luận văn cao học, các ý tưởng của các chương trình khoa học công nghệ cấp Quốc gia được hình thành trên cơ sở các kết quả nghiên cứu các đề tài KHCN cấp tỉnh, trong đó có Ninh Bình.

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, nhiều địa danh và vùng địa lý như: vùng ven biển và đất ngập nước Kim Sơn-Cồn Nổi, vùng đất ngập nước Vân Long, hệ thống hang động Tràng An, hệ sinh thái động thực vật Cúc Phương vv... đã trở thành nơi tham quan, trao đổi học thuật trong các chương trình đào tạo của các trường Đại học và các Viện nghiên cứu.

Trường Đại học Mỏ-Địa chất là một trong các trường Đại học kỹ thuật, là một trong các trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học của cả nước về khoa học Trái đất, tài nguyên và môi trường. Nhà trường có đội ngũ đông đảo các cán bộ, giảng viên, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực Mỏ, Địa chất, Trắc địa, Môi trường, Dầu khí... Bên cạnh các Khoa và Bộ môn chuyên ngành, Nhà trường có các Trung tâm Nghiên cứu triển khai công nghệ, có nhiều nhóm nghiên cứu mạnh và các thiết bị thí nghiệm hiện đại.

Hàng năm, Nhà trường thực hiện và hoàn thành hàng chục đề tài KHCN cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp tỉnh, các Dự án KHCN cấp Quốc gia. Nhiều công trình KHCN cấp tỉnh đã được thực hiện trên địa bàn các tỉnh như Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum, Bình Định, Quảng Ninh vv....

Là một trường kỹ thuật, đào tạo các Kỹ sư thực hành, chúng tôi rất coi trọng các nhiệm vụ KHCN cấp Tỉnh. Các kết quả của các đề tài KHCN cấp Tỉnh được các cấp Lãnh đạo và Quản lý của địa phương đặt hàng, tiếp nhận, khai thác sử dụng.

Các kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học của các Dự án phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Với Ninh Bình, từ khoảng những năm 2000 cho đến nay, chúng tôi rất vinh hạnh được các cấp lãnh đạo và quản lý KHCN tin tưởng, giao thực hiện một số nhiệm vụ KHCN trong lĩnh vực Địa chất, Khoáng sản, thủy văn, địa chất công trình, môi trường, tai biến địa chất.

Từ những kết quả của các đề tài KHCN, Ninh Bình là một trong các tỉnh có hệ thống dữ liệu điều tra cơ bản về tài nguyên khoáng sản và môi trường tốt nhất trong khu vực.  

Các nghiên cứu chuyên sâu về nước dưới đất toàn tỉnh, điều tra tai biến địa chất cho một số khu vực trọng điểm (Tam Điệp, dự án công viên động vật hoang dã), các mô hình cấp nước hợp vệ sinh cho các cụm dân cư miền núi... đã phát huy tác dụng và hoạt động có hiệu quả.

Các kết quả điều tra nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên môi trường khu vực Tràng An (năm 2005-2006) đã góp phần xây dựng bộ hồ sơ để đề nghị UNESCO cấp giấy chứng nhận khu vực Tràng An là di sản văn hóa thiên nhiên thế giới; góp phần cho việc phát triển quần thể du lịch thiên nhiên Tràng An-Tam Cốc-Bích Động.

Các kết quả nghiên cứu về địa chất, môi trường vùng đất ngập nước cửa sông ven biển Kim Sơn - Cồn Nổi là cơ sở dữ liệu tham khảo phục vụ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn.

Các vấn đề về ô nhiễm môi trường nước dưới đất trong các khu công nghiệp, dự báo xu hướng phát triển, các giải pháp giảm thiểu bẳng các mô hình số đang được chúng tôi chủ trì thực hiện.

Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ KHCN, từ Chủ nhiệm đề tài cho đến các thành viên tham gia, đều nhận thức được tầm quan trọng và tính thiết thực của các nội dung nghiên cứu.

Do đó, tất cả các Nhiệm vụ KHCN đều được thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, tuân thủ tất cả các quy định của Luật KHCN cũng như các kế hoạch đã được phê duyệt.

Hiện nay, trong bối cảnh Khoa học công nghệ của cả nước nói chung và Ninh Bình nói riêng đang thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 của Thủ tướng Chính phủ với những mục tiêu và kỳ vọng rất lớn trong nhiều lĩnh vực, một số vấn đề về Khoa học công nghệ trong lĩnh vực Tài nguyên-môi trường và Khoa học về Trái đất địa bàn tỉnh Ninh Bình cần được quan tâm, đó là:

1. Quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng của Ninh Bình, đặc biệt là nguồn đá vôi và dolomit. Hạn chế tối đa việc cấp và mở rộng các mỏ khai thác vật liệu xây dựng với tiêu chí: giữ gìn cảnh quan để phát triển kinh tế bền vững, lâu dài;

2. Hạn chế và tiến tới đóng cửa hoàn toàn các mỏ khai thác đá vôi và dolomit có ảnh hưởng trực tiếp đến các khu du lịch, các vùng di sản thiên nhiên, các dự án quan trọng như Khu công viên  động vật hoang dã;

3. Nghiên cứu các tai biến tiểm ẩn; quá trình thoái hóa và ô nhiễm đất; các giải pháp giảm thiểu, đảm bảo an toàn trong hoàn cảnh nước biển dâng đối với các công trình quan trọng, như hệ thống đê, hồ chứa, các công trình xây dựng ven biển, các vùng có nguy cơ sụt lún mạnh do Karst hóa;

4. Đối với khu vực đất ngập nước ven biển Kim Sơn, bên cạnh việc tăng cường công tác Quản lý, khai thác hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường bằng các biện pháp đồng bộ, KHCN Ninh Bình nên phối hợp với các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa và Tư vấn Quốc tế, triển khai nghiên cứu đồng bộ, xây dựng hệ thống quan trắc biến động vùng đất ngập nước, lập Dự án chỉnh trị vùng cửa sông nhằm đảm bảo duy trì vận tải đường thủy trên Sông Đáy- hệ thống vận tải đường thủy quan trọng của vùng;

5. Tăng cường năng lực công tác bảo vệ môi trường, giám sát các hoạt động phát thải của các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp; Quy hoạch và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại;

6. Hiện nay cơ sở dữ liệu từ các kết quả của các đề tài KHCN đã thực hiện là rất lớn, và đang được tiếp tục bổ sung hàng năm. Do đó, KHCN Ninh Bình và hệ thống Thư viện tỉnh nên có kế hoạch tổng hợp, hệ thống hóa, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu theo từng ngành, từng lĩnh vực để thuận tiện trong công tác sử dụng, tra cứu, bổ sung và phát huy hiệu quả của các công trình khoa học công nghệ.

Trước những yêu cầu ngày càng cao theo xu thế hội nhập Quốc tế, chúng tôi- những người làm công tác KHCN thuộc mạng lưới các Trường Đại học, sẽ:

1. Không ngừng nâng cao năng lực, phát huy tính tự chủ và sáng tạo, xây dựng nhiều nhóm nghiên cứu mạnh để giải quyết các nhiệm vụ KHCN được đặt ra từ thực tế của các ngành, của các địa phương, của các Doanh nghiệp.

2. Nâng cao hơn nữa chất lượng các sản phẩm KHCN theo hướng:

+ Tạo ra các sản phẩm Khoa học có tính ứng dụng cao;

+ Nghiên cứu phát triển và sản xuất các vật liệu mới thân thiện với môi trường;

+ Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng và hiện đại hóa đất nước.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh- Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Ninh Bình, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đánh giá cao nội dung bài tham luận: “Cảm ơn PGS.TS. Lê Tiến Dũng về những đóng góp trong nghiên cứu khoa học, tại Sở KHCN, góp phần trong việc hỗ trợ định hướng phát triển của tỉnh. Rất đồng tình với nhà khoa học, PGS.TS Lê Tiến Dũng về các kiến nghị, thẳng thắn về vấn đang tồn tại của tỉnh Ninh Bình về khai thác mỏ. Đề nghị các Sở ban ngành, đơn vị chức năng phối hợp với các chuyên gia uy tín đầu ngành TW như các Viện nghiên cứu, trường Đại học, đề xuất các đầu bài, nhiệm vụ phù hợp với mục tiêu phát triển của tỉnh Ninh Bình cho các nhà khoa học TW”.

 

 

PGS.TS Lê Tiến Dũng