Giới thiệu ngành đào tạo mới: Ngành Địa kỹ thuật Xây dựng

10/05/2019

Ngày 15 tháng 8 năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quyết định số 2955/QĐ-BGDĐT cho phép Trường Đại học Mỏ - Địa chất được đào tạo trình độ đại học ngành Địa kỹ thuật xây dựng, mã số: 7580211. Sinh viên tốt nghiệp ngành Địa kỹ thuật xây dựng được cấp bằng kỹ sư thuộc lĩnh vực xây dựng. Có thể nói, Đại học Mỏ - Địa chất hiện là Trường đại học đầu tiên ở Việt Nam được cấp mã ngành Địa kỹ thuật xây dựng. Hiện nay một số trường đại học kỹ thuật ở nước ta đào tạo một số chuyên ngành về Địa kỹ thuật, trong đó, Trường đại học Mỏ - Địa chất đào tạo chuyên ngành Địa chất công trình - Địa kỹ thuật thuộc mã ngành Kỹ thuật địa chất.

Chương trình đào tạo ngành Địa kỹ thuật xây dựng được thiết kế với thời gian 4 năm. Nội dung chương trình đào tạo cung cấp đầy đủ những kiến thức cơ bản, cơ sở và kiến thức chuyên môn toàn diện về ngành Địa kỹ thuật xây dựng như: toán, kiến thức về cơ học và các kiến thức nền tảng về xây dựng; địa chất; địa chất công trình - địa kỹ thuật. Kỹ sư Địa kỹ thuật xây dựng có thể thực hiện được các công việc như: thiết kế và thi công nền móng của các loại công trình xây dựng; thiết kế và thi công các giải pháp Địa kỹ thuật; thiết kế và thi công các giải pháp cải tạo và xử lý nền đất yếu; thiết kế và tổ chức thực hiện công tác quan trắc địa kỹ thuật; giải quyết các bài toán liên quan đến các hoạt động tai biến địa chất và môi trường; thực hiện các công tác khảo sát địa kỹ thuật cho các đối tượng công trình xây dựng dân dụng - công nghiệp, công trình giao thông, thủy lợi, sân bay, bến cảng, các công trình ngầm, công trình khai thác mỏ và các công trình quân sự…

    Thiết kế xử lý mái dốc

Thiết kế xử lý nền đất yếu

Thiết kế các giải pháp ổn định hố móng sâu

Khảo sát, đánh giá ổn định bờ sông, bờ biển

Khảo sát địa kỹ thuật phục vụ thi công công trình dân dụng và công nghiệp

Khảo sát địa kỹ thuật phục vụ thi công công trình ngầm

Quan trắc địa kỹ thuật hố đào sâu

Quan trắc cảnh báo sớm trượt lở mái dốc

                                  

Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư ngành Địa kỹ thuật xây dựng có thể làm việc tại các cơ quan, đơn vị sau:

-  Các doanh nghiệp về tư vấn thiết kếthi công thuộc các lĩnh vực xây dựng khác nhau như: xây dựng dân dụng - công nghiệp, xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, sân bay, bến cảng, công trình ngầm, công trình mỏ, các công trình quân sự…

- Các đơn vị quản lý về công tác xây dựng nói chung thuộc các bộ ngành, các sở, các phòng ban quản lý dự án về xây dựng;

- Các viện nghiên cứu và các trường đào tạo liên quan đến ngành xây dựng;

- Các đơn vị tư vấn khảo sát xây dựng thuộc các lĩnh vực xây dựng dân dụng - công nghiệp, xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, sân bay, bến cảng, công trình ngầm, công trình mỏ, các công trình quân sự…   

- Tự mở các doanh nghiệp hành nghề trong lĩnh vực khảo sát Địa kỹ thuật, thiết kế, thi công các giải pháp địa kỹ thuật;  thiết kế và thi công các giải pháp cải tạo và xử lý nền đất yếu; thiết kế và tổ chức thực hiện công tác quan trắc địa kỹ thuật; thiết kế thi công nền móng công trình xây dựng…

Một số đơn vị nổi bật đang và sẽ là nơi công tác của các kỹ sư ngành Địa kỹ thuật xây dựng: Công ty Cổ phần FECON, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Công ty CP Đầu tư và Tư vấn Xây dựng ADCOM, Công ty cổ phần Đầu tư Phan Vũ, Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải – CTCP (TEDI), Tổng công ty Sông Đà-CTCP, Công ty cổ phần Khảo sát và Xây dựng-USCO, Công ty TNHH Thế giới kỹ thuật, Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam - CTCP (VNCC), Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng Delta.

Ngành Địa kỹ thuật xây dựng do Bộ môn Địa chất công trình - Địa kỹ thuật, Trường Đại học Mỏ-Địa chất quản lý và tổ chức đào tạo. Bộ môn Địa chất công trình - Địa kỹ thuật, tiền thân là Bộ môn Địa chất công trình được thành lập và đào tạo từ năm 1961 tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau khi trường Đại học Mỏ-Địa chất được thành lập trên cơ sở tách ra từ Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ môn Địa chất công trình thuộc  Trường Đại học Mỏ-Địa chất và đào tạo các ngành Địa chất công trình - Địa chất thủy văn, từ năm 2000 đào tạọ ngành Địa chất công trình - Địa kỹ thuật và sau này là chuyên ngành thuộc mã ngành Kỹ thuật địa chất.

Hiện tại, tất cả cán bộ giảng dạy của Bộ môn đều có trình độ sau đại học. Nhiều cán bộ có trình độ tiến sỹ được đào tạo tại các nước: Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Nhật và Canada về lĩnh vực Địa kỹ thuật xây dựng. Hiện nay Nhà trường có đầy đủ các phòng thí nghiệm phục vụ giảng dạy khối kiến thức cơ bản và cơ sở; các phòng thí nghiệm Địa kỹ thuật công trình (LAS-XD 928), phòng thí nghiệm Xây dựng với các trang thiết bị hiện đại của Châu Âu phục vụ tốt cho công tác đào tạo ngành Địa kỹ thuật xây dựng. Với hệ thống phòng thí nghiệm và các điều kiện cơ sở vật chất khác, sinh viên sẽ được học đầy đủ kiến thức lý thuyết và đủ điều kiện thực hành để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Một số hình ảnh về phòng thí nghiệm Địa kỹ thuật công trình hiện nay:

Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triến để trở thành nước công nghiệp nên có nhu cầu rất lớn về xây dựng các công trình hạ tầng như đường xá, cầu cống, sân bay bến cảng, các công trình thủy lợi, thủy điện; các tòa nhà cao tầng, các nhà máy, công xưởng, đường tầu điện ngầm và các công trình ngầm đô thị, các công trình phục vụ quốc phòng và dân sinh khác…. Điều kiện tự nhiên nói chung và điều kiện về địa chất công trình nói riêng của nước ta rất phức tạp. Miền núi và trung du có địa hình phân cắt, trong đất đá thường phát triển các hệ thống đứt gẫy và khe nứt cũng như xuất hiện nhiều tai biến địa chất như trợt lở, lũ bùn đá, hiện tượng carst, gây bất lợi cho công tác xây dựng. Miền đồng bằng có địa hình thuận lợi hơn nhưng phát triển nhiều thành tạo đất yếu, đòi hỏi phải chọn các giải pháp nền móng thích hợp cũng như áp dụng các giải pháp cải tạo, xử lý nền đất yếu trước khi xây dựng công trình, một số hiện tượng địa chất thường gặp như xói lở bờ sông, bờ biển…Thực tế công tác xây dựng ngày càng đa dạng, quy mô xây dựng  ngày càng lớn trong điều kiện tự nhiên phức tạp luôn đặt ra những nhiệm vụ phức tạp và cấp thiết để các kỹ sư và các nhà nghiên cứu về lĩnh vực Địa kỹ thuật xây dựng giải quyết.

Để đáp ứng nguồn nhân lực về Địa kỹ thuật xây dựng hiện nay, Bộ môn Địa chất công trình-Địa kỹ thuật  Trường Đại học Mỏ - Địa chất xác định, đồng thời với việc đào tạo kỹ sư Địa kỹ thuật xây dựng hệ đại học chính quy  tuyển sinh từ năm 2019, dự kiến sẽ  tiến hành tổ chức đào tạo chuyển đổi bằng theo hình thức đào tạo bằng hai Địa kỹ thuật xây dựng đối với kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành và chuyên ngành Địa chất công trình-Địa chất thủy văn, Địa chất công trình - Địa kỹ thuật và kỹ sư ngành xây dựng. Với những kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực xây dựng đã được tích lũy nhiều năm, những kỹ sư này sẽ đáp ứng tốt yêu cầu của công tác xây dựng ở nước ta trong thời gian tới.                                                       

PGS.TS. Lê Trọng Thắng