Văn phòng: Tầng 4, Nhà C 12 tầng, Khu A - Trường Đại học Mỏ - Địa chất

Địa chỉ: Số 18, phố Viên, phường Đức Thắng, quận Bắc Liêm, Hà Nội

Điện thoại: 043 8383379

Email: bomonkhoangsan.humg@gmail.com

1. Giới thiệu chung :

Bộ môn Khoáng sản được thành lập năm 1966 cùng với sự ra đời của Trường Đại học Mỏ-Địa chất. Từ 1966 đến 2005 Bộ môn Khoáng sản đã trải qua dưới sự lãnh đạo của các thầy Trưởng Bộ môn: KS.Nguyễn Huy Sính, GS.TS.Tô Linh, GS.TSKH.Vũ Ngọc Hải, GS.TS.Nguyễn Văn Chữ, PGS.TS.Phạm Hồng Huấn, PGS.TS.Phạm Văn Trường. Từ 2006-nay PGS.TS. Nguyễn Quang Luật là Trưởng Bộ môn. Từ khi thành lập đến nay, bộ môn Khoáng sản đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng cán bộ, bộ môn là tiền thân của nhiều bộ môn khác trong nhà trường như: Bộ môn Địa Vật lý, Bộ môn Tìm kiếm-Thăm dò, Bộ môn Địa chất Dầu khí, Bộ môn Nguyên liệu khoáng. Bộ môn cũng đã đóng góp lực lượng cán bộ cấp cao của Quốc gia như : GS.TS.Tô Linh- Vụ trưởng Văn phòng Chính Phủ, GS.TSKH. Vũ Ngọc Hải-Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, TSKH. Nghiêm Vũ Khải-Đại biểu Quốc hội các khóa 11, 12, 14-Phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN& môi trường của Quốc hội-Thứ trưởng Bộ KH&CN, nay là Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam. Bộ môn đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển giáo dục và đào tạo cũng như phát triển kinh tế-xã hội suốt 50 năm qua.

Bộ môn Khoáng sản tham gia cùng các Bộ môn khác trong Khoa Khoa học & Kỹ thuật Địa chất đào tạo khoa học cơ sở và chuyên ngành cho sinh viên Ngành Kỹ thuật Địa chất-chuyên ngành Địa chất khoáng sản & Thăm dò; đồng thời đảm nhận các môn học cơ sở trong đào tạo các chuyên ngành như: Địa chất công trình - Địa kỹ thuật, Địa chất thuỷ văn, Địa vật lý, Địa chất Dầu khí,Tuyển khoáng, Tin học địa chất, Nguyên liệu khoáng.

Bộ môn Khoáng sản  chủ quản đào tạo Đại học chuyên ngành Khoáng sản – Ngành Kỹ thuật Địa chất; chủ quản đào tạo Cao học chuyên ngành Địa chất Khoáng sản & Thăm dò– Ngành Kỹ thuật Địa chất.; chủ quản đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành Khoáng sản học– Ngành Kỹ thuật Địa chất.

2. Cơ cấu cán bộ, cơ sở vật chất của Bộ môn :

Hiện nay Bộ môn Khoáng sản 100% giảng viên có trình độ Trên đại học, gồm 6 cán bộ giảng dạy, trong đó có 01 PGS. TS, 05 GV.ThS. Hiện tại bộ môn có 04 GV.ThS đang làm NCS, trong đó có 03 GV.ThS đang làm NCS ở nước ngoài. Đến 2020 bộ môn sẽ có lực lượng cán bộ 01 PGS.TS, 04 GV.TS, 01 GV.ThS.

Cơ sở vật chất: Bộ môn có 01 văn phòng làm việc, 01 phòng thí nghiệm mẫu khoáng sản, 01 phòng thí nghiệm hiển vi khoáng tướng được trang bị hệ thống kính hiển vi hiện đại nhất hiện nay phục vụ cho NCKH và đào tạo Đại học và Sau đại học.

3. Hoạt động chính và những kết quả đạt được của Bộ môn:

Hoạt động đào tạo đại học và sau đại học:

Bộ môn Khoáng sản đã hoàn thành biên soạn đề cương các môn học theo hệ thống đào tạo Tín chỉ và hiện đang đảm  nhiệm các môn học sau:

  • Các môn học phục vụ đào tạo hệ cao đẳng và đại học: Địa chất các mỏ khoáng, Địa chất các mỏ kim loại, Địa chất các mỏ phi kim loại, Địa chất các mỏ nhiên liệu, Kinh tế nguyên liệu khoáng, Khoáng tướng học, Kiến trúc trường quặng, Ngoại ngữ tiếng Anh chuyên ngành Địa chất, Ngoại ngữ tiếng Anh chuyên ngành Nguyên liệu khoáng, Ngoại ngữ tiếng Anh chuyên ngành Địa chất mỏ; Khoáng sản biển đại cương, Khoáng sản Việt Nam.
  • Các môn học phục vụ đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ: Sinh khoáng học, Các quá trình tạo quặng, Các phương pháp nghiên cứu thành phần vật chất quặng, Địa chất đá quý, Khoáng sản biển, Bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản, Địa chất các mỏ khoáng, Các phương pháp đồng vị trong nghiên cứu thạch luận và sinh khoáng, Kiến trúc các trường & mỏ quặng nội sinh, Các hiện tượng biến đổi nhiệt dịch đá vây quanh quặng, Phương pháp nghiên cứu sinh khoáng-dự báo quặng dưới sâu, sinh khoáng Việt Nam và các miền lân cận.
  • Các kết quả cụ thể trong công tác đào tạo:
  • Số lượng sinh viên đại học đã tốt nghiệp tại bộ môn Khoáng sản trong 50 năm qua : gần 800 sinh viên.
  • Số lượng HVCH bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ tại bộ môn Khoáng sản giai đoạn: 165 học viên. Số học viên cao học đang làm luận văn Thạc sĩ tại bộ môn hiện nay là 13 học viên.
  • Số lượng NCS bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại bộ môn: 22 NCS đã Bảo vệ thành công Luận án TS, hiện Bộ môn đang Hướng dẫn 06 NCS.

Công tác biên soạn giáo trình, bài giảng:

  • Các môn học ở các cấp trình độ đều được biên soạn đề cương chi tiết thể hiện đầy đủ nội dung của môn học.
  • Các môn học ở bậc đại học và sau đại học đều đã được biên soạn giáo trình và xuất bản ở cấp Nhà xuất bản hoặc xuất bản ở cấp Trường.

Các kết quả cụ thể trong công tác NCKH triển khai công nghệ:        

Trong 50 năm qua Bộ môn Khoáng sản đã hoàn thành 01 Đề tài NCKH Cấp Nhà nước, 15 Đề tài NCKH cấp Bộ, 10 Đề tài NCKH cấp Cơ sở  và nhiều Hợp đồng triển khai công nghệ cho các địa phương và các Bộ, Ban, Ngành trong phạm vi cả nước, góp phần đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội và phát triển ngành GD&ĐT cũng như góp phần nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ giảng dạy thông qua NCKH và góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy đại học và sau đại học. Hàng chục nhóm sinh viên NCKH tại Bộ môn Khoáng sản, trong đó có 5 nhóm sinh viên đạt giải nhất cấp Trường.

4. Mục tiêu và định hướng phát triển:

Công tác giảng dạy:

(1)- Đại học: Dạy các môn Địa chất các mỏ khoáng, Khoáng sản kim loại, Khoáng sản không kim loại, Khoáng sản nhiên liệu, Khoáng chất công nghiệp, Kinh tế nguyên liệu khoáng, Kiến trúc trường quặng, Sinh khoáng học, Khoáng sản biển, Bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản.

(2)-Cao học: Bộ môn chủ quản trong đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Địa chất khoáng sản & Thăm dò.

(3)-NCS: Bộ môn chủ quản trong đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành Khoáng sản học- Ngành Kỹ thuật Địa chất.

Nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ:

  • Nghiên cứu về thành phần vật chất và điều kiện thành tạo các loại hình khoáng sản kim loại, phi kim loại, nhiên liệu.
  • Phân tích thành phần khoáng vật, cấu tạo và kiến trúc quặng dưới kính hiển vi phản xạ.
  • Nghiên cứu xác lập các kiểu mỏ, quy luật phân bố và dự báo các diện tích triển vọng định hướng cho công tác tìm kiếm – thăm dò.
  • Nghiên cứu vẽ bản đồ sinh khoáng – dự báo tỷ lệ 1/50.000.
  • Nghiên cứu độ sâu phân bố quặng hoá và dự báo quặng hoá ẩn.
  • Nghiên cứu đặc điểm các loại khoáng sản phi truyền thống trên đất liền và biển
  • Nghiên cứu địa chất kinh tế và đánh giá ảnh hưởng của hoạt động khoáng sản đến môi trường.

5. Khen thưởng : Bộ môn Khoáng sản luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Thành tích khen thưởng cao nhất của Bộ môn: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo. Đối với cá nhân: 01 Huân chương lao động Hạng Ba; 02 CBGD của bộ môn được nhận Danh hiệu Nhà giáo ưu tú.