Thông tin hoạt động nghiên cứu KHCN Bộ môn Khoáng Thạch và Địa hóa

19/05/2023

Trong thời gian từ tháng 10 năm 2020 đến tháng 6 năm 2022, các cán bộ Bộ môn Khoáng Thạch và Địa hóa đã tham gia chủ trì và thực hiện đề tài KHCN cấp tỉnh tại tỉnh Hòa Bình với tiêu đề: “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên du lịch tự nhiên phục vụ phát triển bền vững du lịch tỉnh Hòa Bình” Do PGS.TS Lê Tiến Dũng cán bộ của Bộ môn làm chủ nhiệm.

Đề tài được thực hiện với mục tiêu Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên du lịch tự nhiên (TNDLTN) phục vụ phát triển bền vững du lịch tỉnh Hòa Bình. Cụ thể gồm: 1) Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên du lịch tự nhiên tỉnh Hòa Bình; và 2) Ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình.

Đề tài đã hoàn thành các mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên du lịch tự nhiên phục vụ phát triển bền vững du lịch tỉnh Hòa Bình. Sự kết hợp giữa các hoạt động nội sinh và ngoại sinh đã tạo nên cho Hòa Bình các nguồn tài nguyên du lịch rất phong phú, đa dạng, gồm 36 cụm và 236 điểm tài nguyên du lịch (TNDL), trong đó: 60 điểm hang động karst, 8 thác nước, 8 điểm nước khoáng nóng, 23 hồ nước, 12 điểm di sản địa chất khác, 4 khu bảo tồn thiên nhiên, 27 khu và dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, 33 điểm du lịch cộng đồng, và 60 điểm tài nguyên du lịch văn hoá. Các điểm TNDL đã được thống kê và tổng hợp trong phụ lục cơ sở dữ liệu TNDL và bản đồ TNDL tỉnh Hoà Bình. Hệ thống dữ liệu về TNDLTN là một trong các cơ sở khoa học để thành lập các khu bảo tồn di sản địa chất, các công viên địa chất cấp tỉnh, công viên địa chất cấp quốc gia. Phần lớn các TNDL có điều kiện giao thông thuận lợi để khai thác, bảo vệ và phát triển du lịch.

TNDLTN của Hoà Bình nổi trội gồm các hang động karst trong vùng núi đá vôi, các bề mặt đỉnh có độ cao lớn liên quan với các khối núi magma dạng vòm, các thác nước liên quan với hoạt động đứt gãy kiến tạo phương Tây Bắc-Đông Nam, các nguồn nước khoáng nóng và vùng hồ Hoà Bình, các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Các TNDLTN là tiền đề phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch địa chất, du lịch khám phá.

Các kết quả điều tra TNDLTN tỉnh Hoà Bình là cơ sở Xây dựng và chuyển giao phần mềm khai thác cơ sở dữ liệu (CSDL) tích hợp trên các thiết bị di động thông minh (smart phones) trên CSDL và hệ thống thông tin địa lý (GIS) về TNDLTN tỉnh Hòa Bình. Phía đề tài có trách nhiệm chuyển giao trực tiếp các kết quả này sẽ được cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hoà Bình quản lý, ứng dụng và phát triển phần mềm trên điện thoại, cũng như nguồn dữ liệu cơ sở nguồn.

Đề tài đã kiến nghị các giải pháp đồng bộ về quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên, khai thác hợp lý, bảo vệ các nguồn TNDLTN như là một nguồn tài nguyên không tái tạo để phát triển ngành du lịch bền vững, lâu dài và hiệu quả.

Kiến nghị ngành du lịch Hoà Bình và các địa phương có thể tiếp tục điều tra phát hiện các hang động mới trong các cụm hang động lớn có tiềm năng như khu vực núi Đầu Rồng (Cao Phong), Nánh Nghê (Đà Bắc), Chùa Tiên-Đầm Đa (Lạc Thuỷ), Mãn Đức (Tân Lạc); các thác nước và các khu nghỉ dưỡng có tiềm năng liên quan với các khối núi dạng vòm khu vực Kim Bôi, Đà Bắc.

Đề xuất Di sản văn hóa thế giới ruộng lúa, ruộng bậc thang của người Mường Hòa Bình của Trung tâm Trung tâm Nghiên cứu Các hiện tượng và Khả năng đặc biệt, báo cáo này đề xuất dự án Công viên Địa chất Hòa Bình. Các cơ sở dữ liệu, trong đó có bao gồm cơ sở Dữ liệu ruộng bậc thang khu vực Lạc Sơn, cho thấy Công viên Địa chất Hòa Bình đáp ứng được nhiều tiêu chí và có thể so sánh với Công viên địa chất toàn cầu Đồng Văn và Cao Bằng. Đề xuất này là cơ sở để Ngành Du lịch tỉnh Hòa Bình xem xét.

Đề tài đã bảo vệ thành công và được đánh giá rất cao tại Sở Khoa học & Công nghệ Hòa Bình và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình. Các kết quả đã được chuyển giao cho các Sở ban ngành và địa phương tại tỉnh Hòa Bình.

Ngoài ra các kết quả của đề tài cũng được Trung tâm, Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức vinh danh và tiếp nhận vào ngày 30 tháng 01 năm 2023 tại Trung tâm, Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Dưới đây là một số hình ảnh trong công tác thực hiện của đề tài

Khảo sát đá vôi phân lớp hệ tầng Đồng Giao bị karst hóaKhảo sát đá vôi phân lớp hệ tầng Đồng Giao bị karst hóa

Khảo sát các thác nước tại Hòa Bình