BỘ MÔN KHOÁNG THẠCH VÀ ĐỊA HÓA TỔ CHỨC GẶP MẶT NHÂN DỊP KỶ NIỆM 50 NĂM THÀNH LẬP

19/01/2018

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập (1966-2016), bộ môn Khoáng Thạch và Địa hóa đã tổ chức buổi gặp mặt với các cán bộ đã từng công tác và đang công tác ở bộ môn tại Khách sạn Hải Quân, Đồ Sơn, Hải Phòng. Buổi gặp mặt diễn ra trong không khí rất đầm ấm và vui vẻ với sự tham gia của hầu hết các thầy cô đã từng công tác tại bộ môn Khoáng Thạch nay đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác, các cán bộ hiện đang công tác tại bộ môn cùng gia đình.

PGS.TS Lê Thanh Mẽ đóng vai trò

PGS.TS Lê Thanh Mẽ đóng vai trò "MC" cho buổi gặp mặt

Tại buổi gặp mặt, PGS.TS Nguyễn Khắc Giảng - Trưởng bộ môn đã điểm lại quá hình thành và phát triển của Bộ môn qua các thời kỳ:

- Thời kỳ 1966 - 1975: Đây là thời kỳ các thầy, cô trong Bộ môn đã xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo trong điều kiện phải khắc phục những khó khăn của thời chiến ở nơi sơ tán để hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, đánh dấu cho sự khởi đầu và định hướng cho sự phát triển lâu dài của Bộ môn. Thời gian này, nhiều cán bộ của bộ môn được gửi đi nước ngoài học tập. Một số thầy đã gia nhập quân đội chiến đấu trên các mặt trận bảo vệ tổ quốc.

PGS.TS Nguyễn Khắc Giảng điểm lại quá trình hình thành và phát triển Bộ môn
PGS.TS Nguyễn Khắc Giảng điểm lại quá trình hình thành và phát triển Bộ môn

- Thời kỳ 1975 - 1985: Đây là thời kỳ “xây dựng và phát triển”. Trong bối cảnh nước nhà đã hoàn toàn thống nhất, bước vào khôi phục kinh tế và xây dựng trên phạm vi cả nước, Bộ môn đã chuyển lên khu vực Mỏ Chè (Phổ Yên -Thái Nguyên) và có quá trình phát triển mạnh mẽ. Để đáp ứng với yêu cầu đào tạo cán bộ địa chất cho đất nước trong thời kỳ mới, từ năm 1975, bộ môn Khoáng Thạch được tách thành hai bộ môn là bộ môn Tinh thể - Khoáng vật và bộ môn Thạch học. Tuy là hai bộ môn, nhưng hai tập thể này vẫn sinh hoạt rất gần gũi nhau trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Đầu năm 1984, do yêu cầu củng cố lực lượng cán bộ, bộ môn Khoáng Thạch được tái lập trên cơ sở hợp nhất hai bộ môn Tinh thể-Khoáng vật và Thạch học.

- Thời kỳ 1985- 2005: Đây là thời kỳ tiếp tục phát triển. Từ cuối năm 1985, bộ môn Khoáng Thạch đã hoàn thành việc chuyển từ Phổ Yên về Hà Nội và bước vào giai đoạn ổn định và phát triển mạnh. Trong giai đoạn này bộ môn đã kiện toàn tương đối hoàn chỉnh các nhóm giảng dạy - nghiên cứu: Tinh thể học, Khoáng vật học, Địa hóa học, Thạch học các đá magma, thạch học các đá trầm tích, thạch học các đá biến chất. Cũng trong thời gian này, bộ môn đã đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tốt nghiệp đại học, thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành Khoáng Thạch.

- Thời kỳ 2006  đến nay: Đây là thời kỳ củng cố và phát triển của bộ môn. Từ năm 2006 trở lại đây, Bộ môn tiếp tục phát huy các truyền thống trước đây mặc dù gặp rất nhiều khó khăn thách thức. Giáo dục đại học Việt Nam bước vào cải cách mạnh mẽ, có rất nhiều chuyển đổi nên gặp không ít thách thức và khủng hoảng. Trường Đại học Mỏ - Địa chất nói chung và bộ môn Khoáng Thạch nói riêng cũng bị tác động nặng nề bởi xu thế này. Cùng với cải cách giáo dục, các chương trình học của bộ môn bị cắt giảm thời lượng, các thiết bị nghiên cứu và thí nghiệm không được bổ sung. Học sinh tuy đông hơn nhưng chất lượng đào tạo bị giảm sút nghiêm trọng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các thầy cô trong bộ môn đã có rất nhiều cố gắng trong đào tạo và NCKH. Trong giai đoạn vừa qua, Bộ môn đã đào tạo được 3 khóa thạc sĩ Khoáng Thạch, 5 Tiến sĩ các chuyên ngành Thạch học, Khoáng vật học và Địa hóa học cùng nhiều sinh viên làm đồ án tốt nghiệp đại học. Công tác NCKH, phục sản xuất và hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, các cán bộ của Bộ môn đã chủ trì rất nhiều công trình khoa học cấp bộ, cấp tỉnh, các đề tài phục vụ sản xuất, đã công bố hàng chục bài báo/báo cáo tại các HNKH và các tạp chí trong nước và quốc tế.

Tập thể cán bộ đã và đang công tác tại Bộ môn
Tập thể cán bộ đã và đang công tác tại Bộ môn

Hiện nay, trong biên chế của bộ môn có 11 cán bộ, bao gồm 3 Phó giáo sư, 1 giảng viên chính, 6 giảng viên, 1 cán bộ phụ trách thí nghiệm. Trong đó có 4 tiến sĩ, 6 thạc sĩ (có 3 NCS), 1 kỹ sư (đang làm NCS).  Trong 4 NCS có 2 NCS  hiện đang học tập ở Trung Quốc và Anh Quốc.

Tập thể cán bộ hiện đang công tác tại Bộ môn
Tập thể cán bộ hiện đang công tác tại Bộ môn

 Trong buổi gặp mặt, GS.TSKH Đặng Trung Thuận, cán bộ cũ của Bộ môn, hiện đang làm chủ tịch hội Địa hóa Việt Nam đã phát biểu ý kiến ôn lại truyền thống  và tặng cuốn sách “Địa hóa Môi trường và sức khỏe” cho các cán bộ của Bộ môn.

GS.TSKH Đặng Trung Thuận ôn lại truyền thống và tặng sách cho các cán bộ Bộ môn
GS.TSKH Đặng Trung Thuận ôn lại truyền thống và tặng sách cho các cán bộ Bộ môn

Các cán bộ cũ của bộ môn như PGS.TS Phạm Huy Tiến (chủ tịch hội Trầm tích Việt Nam), GS.TSKH Phan Trường Thị, KS Phạm Hồng Quế ... đã ôn lại kỷ niệm cũ và tin tưởng rằng thế hệ hiện nay dứt khoát sẽ phát huy được truyền thống tốt đẹp và đưa bộ môn Khoáng Thạch và Địa hóa ngày phát triển.

GS.TSKH Phan Trường Thị phát biểu cảm tưởng, gửi gắm tình cảm đến thế hệ cán bộ trẻ của Bộ môn
GS.TSKH Phan Trường Thị phát biểu cảm tưởng, gửi gắm tình cảm đến thế hệ cán bộ trẻ của Bộ môn
PGS.TS Phạm Huy Tiến xúc động ôn lại những kỷ niệm đã qua và tin tưởng vào tương lai của Bộ môn
PGS.TS Phạm Huy Tiến xúc động ôn lại những kỷ niệm đã qua và tin tưởng vào tương lai của Bộ môn
KS Phạm Hồng Quế ôn lại kỷ niệm đã qua và tin tưởng vào thế hệ cán bộ trẻ của Bộ môn
KS Phạm Hồng Quế ôn lại kỷ niệm đã qua và tin tưởng vào thế hệ cán bộ trẻ của Bộ môn

PGS.TS Nguyễn Khắc Giảng thay mặt bộ môn cám ơn sự có mặt và những đóng góp chân tình của các thầy cô giáo của Bộ môn và tặng các thầy cô cuốn giáo trình “Tinh thể-Khoáng vật” vừa mới xuất bản.

Tiếp theo là chương trình văn nghệ rất sôi nổi với sự tham gia của một số ca sĩ và các “Cây văn nghệ -Cây nhà lá vườn” của Bộ môn.

Tiết mục văn nghệ

Tiết mục văn nghệ "Cây nhà lá vườn" góp phần tạo nên không khí ấm cúng của buổi gặp mặt

Cuộc gặp mặt đã thành công tốt đẹp để lại dư âm ngọt ngào cho các thầy cô giáo cũ và tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ hiện tại của bộ môn trên con đường đưa Bộ môn Khoáng Thạch và Địa hóa ngày càng trưởng thành và phát triển.

Bài: N.K.Giảng; Ảnh: N.K.Giảng, Trung Thành.